EILE CLINIC

logo phòng khám eile clinic
Thăm khám khi mang thai 1 Tầm quan trọng của thăm khám khi mang thai

Tầm quan trọng của thăm khám khi mang thai

Mang thai với bất kỳ người phụ nữ nào ngoài những trải nghiệm thú vị thì không thể phủ nhận đó là quá trình nhiều gian nan. Thời gian trung bình của một thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần. Trong quá trình này, bạn cùng bác sĩ của mình cần có lịch thăm khám khi mang thai, kiểm tra định kỳ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé.

Thăm khám khi mang thai quan trọng như thế nào?

Việc thăm khám trong giai đoạn thai kỳ rất quan trọng nhằm hỗ trợ và đảm bảo thai phát triển trong bụng mẹ an toàn. Đồng thời, qua thăm khám và xét nghiệm bác sĩ sẽ giúp bạn loại trừ những nguy cơ bệnh tật mà bé có thể mắc phải ngay sau khi sinh.

Thăm khám khi mang thai 1 Tầm quan trọng của thăm khám khi mang thai

Việc thăm khám khi mang thai rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé

Như vậy, có thể thấy khám thai là việc rất quan trọng trong quá trình chăm sóc thai kỳ. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu vẫn chưa biết rõ hoặc chưa được hướng dẫn đầy đủ về lịch trình thăm khám trong quá trình mang thai. Do đó, bài viết này sẽ chia sẻ với bác bạn thông tin cơ bản về lịch trình khám thai, mong rằng những thông tin này sẽ giúp bạn phần nào quản lý thai kỳ tốt hơn nhé.

Lịch thăm khám khi mang thai

2.1. Khám thai lần đầu tiên

Thăm khám khi mang thai 2 Tầm quan trọng của thăm khám khi mang thai

Chi tiết lịch khám thai mẹ bầu cần lưu ý

Ngay sau khi thấy chậm kinh, hoặc có kết quả thử thai dương tính bạn cần báo ngày cho bác sĩ để sắp xếp lịch khám thai lần đầu tiên. Căn cứ vào tiền sử và kết qủa thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ phân chia bạn vào một trong bốn nhóm thai kỳ như bên dưới, để chăm sóc và theo dõi được tốt hơn.

Thai kỳ có nguy cơ thấp

– Tiền sử bình thường

– Khám lâm sàng bình thường

– Kết quả xét nghiệm bình thường

Thai kỳ có nguy cơ trung bình

– Tiền sử có nguy cơ

– Khám lâm sàng bình thường

– Kết quả xét nghiệm bình thường

Thai kỳ có nguy cơ cao

– Tiền sử bình thường hoặc có nguy cơ

– Kết quả thăm khám: không bình thường

– Hoặc kết quả xét nghiệm không bình thường

Thai kỳ bệnh lý

Tình trạng bệnh lý được phát hiện từ đầu thai kỳ ví dụ như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, tình trạng sau gép tạng; dị dạng tử cung bẩm sinh; u xơ tử cung. Tình trạng đa thai ( thai đôi hai bánh rau; thai đôi một bánh rau hai màng ối; thai đôi một túi ối, ba thai…)

Sau lần thăm khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ lên lịch khám thai dành riêng cho mỗi bệnh nhân. Lịch khám khám có thể khác nhau giữa các bệnh nhân, tuy vậy, về cơ bản bao gồm: Lịch khám định kỳ và lịch khám không định kỳ.

2.2. Thăm khám thai định kỳ

Lịch khám thai định kỳ được bác sĩ lên kế hoạch dựa theo một trong bốn nhóm thai nguy cơ mà bạn đã được phân nhóm ở trên. Thông thường bạn sẽ được hẹn khám định kỳ khoảng 2 tuần một lần. Đây là lịch khám xét cơ bản cho bà bầu và được tiến hành bắt đầu từ tuần thứ 4-6 cho đến tuần thứ 36 của thai kỳ. Từ tuần 37 thai kỳ thai phụ sẽ được hẹn khám mỗi tuần một lần.

Thăm khám thai định kỳ thường bao gồm:

– Kiểm tra huyết áp, cân nặng, đánh giá thai phụ có phù không?

– Xét nghiệm nước tiểu.

– Đo chiều cao tử cung, vòng bụng thai phụ.

– Chấm điểm cổ tử cung hoặc đo chiều dài cổ tử cung bằng đầu dò ngả âm đạo.

– Đánh giá sự sống của thai nhi bằng: Nghe tim thai; Doppler tim thai.

2.3. Các thăm khám không định kỳ

Ngoài lịch thăm khám định kỳ ở trên, trong một số tuần thai đặc biệt thai phụ sẽ được bác sĩ chỉ định làm thêm một số khám và xét nghiệm đặc biệt.

Tuần thai thứ 10: Xét ngiệm máu

+ Xác định nhóm máu ABO; RhD

+ Sàng lọc kháng thể kháng hồng cầu.

+ Xét nghiệm công thức máu.

+ Xét nghiệm các bệnh: HIV; Viêm gan B; Giang mai.

+ Xét nghiệm đường huyết lúc đói

+ Xét nghiệm PAPP-A và Free beta HCG để làm Double test vào tuần 12 thai kỳ.

+ Siêu âm xác định chính xác tuổi thai dựa vào chỉ số đầu mông CRL

Tuần 12 thai kỳ

– Sàng lọc quý I thai kỳ: “Double test” là một xét nghiệm sàng lọc để đánh giá nguy cơ của thai nhi với các bất thường di truyền về số lượng cặp nhiễm sắc thể 13; 18; 21. Các bất thường trên những nhiễm sắc thể này liên quan đến các dị tật bẩm sinh như Hội chứng Down, Edwards và Patau. Kết quả sàng lọc này được đưa ra dựa trên các thông số sau:

+ Chỉ số sinh hóa PAPP-A; Free beta HCG đã lấy máu ở tuần 10

+ Siêu âm: Đo độ mờ da gáy; đánh giá xương mũi; Doppler ống tĩnh mạch; góc hàm mặt; tim thai; chiều dài đầu mông; đường kính lưỡng đỉnh.

+ Phần mềm sẽ tính toán ra nguy cơ đối với các bất thường nhiễm sắc thể dựa vào các thông số ở bên trên.

Đối với thai phụ có kết quả sàng lọc thuộc nhóm nguy cơ cao: bác sỹ sẽ tiến hành tư vấn và chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán như “Nhiễm sắc thể đồ” của thai nhi dựa vào mẫu chọc nước ối hoặc sinh thiết gai rau.

– Phát hiện các dị tật lớn: Ngoài sàng lọc các bệnh lý di truyền thì việc siêu âm trong tuần thai này còn có thể giúp phát hiện các dị tật lớn của thai nhi như thai vô sọ; thoát vị cơ hoành; thoát vị bụng; dị tật não lớn; dị tật tim lớn; các dị tật chi lớn.

– Sàng lọc nguy cơ mắc bệnh lý tiền sản giật: Dựa trên các thông tin từ tiền sử; sinh hóa; doppler động mạch tử cung. Trường hợp thai phụ có kết quả sàng lọc thuộc nhóm nguy có cao có thể tiến hành điều trị dự phòng.

Tuần 16-18 thai kỳ

Thực hiện sàng lọc ở quý II thai kỳ: Triple test là xét nghiệm sàng lọc để đánh giá nguy cơ của thai nhi với các bất thường nhiễm sắc thể số 13; 18; 21 và nguy cơ với dị tật ống thần kinh. Kết quả sàng lọc dựa trên:

Xét nghiệm máu các chỉ số sinh hóa: AFP, hCG, uE3

Siêu âm đo đường kính lưỡng đỉnh BPD.

Khi kết hợp kết quả sàng lọc quý I thai kỳ và kết quả sàng lọc quý II thai kỳ có thể phát hiện được: 8-9/10 trường hợp bị Hội chứng Down; 4/5 trường hợp hội chứng hở ống thần kinh; 6/10 trường hợp bị hội chứng Eward.

Tuần 20-22 thai kỳ: Siêu âm hình thái thai nhi

Việc khám và siêu âm vào tuần 20-22 của thai kỳ giúp bác sĩ đánh giá được các số đo sinh trắc của thai nhi như: Đường kính lưỡng đỉnh; vòng đầu; vòng bụng; Chiều dài xương đùi và so sánh với tuổi thai (căn cứ vào ngày đầu của kỳ kinh cuối hoặc theo chiều dài đầu mông lúc thai 10 tuần). Qua đó đánh giá hình thái các cơ quan; phát hiện các dị tật bẩm sinh. Ngoài ra còn đánh giá thêm tình trạng bánh rau và lượng nước ối.

Tuần 24-28 thai kỳ

Xét nghiệm nghiệm pháp dung nạp đường huyết OGTT; xác định tiểu đường thai kỳ nhằm có kế hoạch điều trị dự phòng giúp an toàn cho mẹ và bé.

Tuần 27-32 thai kỳ

Tiến hành điều trị dự phòng cho các thai phụ có nhóm máu RhD âm tính. Xét nghiệm công thức máu.

Tuần 30-32 thai kỳ siêu âm hình thái thai nhi

Đánh giá các số đo sinh trắc của thai nhi: Đường kính lưỡng đỉnh; vòng đầu; vòng bụng; Chiều dài xương đùi và so sánh với tuổi thai (căn cứ vào ngày đầu của kỳ kinh cuối hoặc theo chiều dài đầu mông lúc thai 10 tuần). Đánh giá sự hoàn hệ thần kinh và hệ tiết niệu của thai nhi. Đánh giá tình trạng bánh rau.

Với thai kỳ nguy cơ hoặc có bệnh lý: Đánh giá cấp máu cho thai nhi bằng các chỉ số A/B; RI; PI; Tim thai và doppler động mạch tử cung. Khi đánh giá phát hiện có dấu hiệu bất thường sẽ đánh giá thêm các chỉ số để xác định tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung.

Tuần 35-38 thai kỳ

Xét nghiệm liên cầu nhóm B trong dịch âm đạo của thai phụ.

Từ tuần thứ 36 thai kỳ

Kiểm tra monitor tim thai hàng tuần đến khi sinh.

Như vậy, các bạn có thể thấy quá trình theo dõi và thăm khám trong thai kỳ là rất dày với nhiều xét nghiệm sàng lọc khác nhau. Tất cả những việc này đều nhằm mục đích giúp mẹ và bé an toàn cho tới lúc em bé được sinh ra. Đồng thời, giúp em bé có cuộc sống khoẻ mạnh sau khi chào đời.

Bài viết này mang tính chuyên môn khá cao vì vậy, nếu bạn có điều gì thắc mắc thì có thể để lại bình luận hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn.

Xem thêm:

Địa chỉ: Toà nhà HH2C, Khu đô thị Linh Đàm, Quận Hoàng Mai, Hà Nội

Số điện thoại: 0936455189

Email: eileclinic2021@gmail.com

Website:  eileclinic.vn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *